Search This Blog

Thursday 19 March 2015

082 Kê Thị Trung từ 嵇侍中祠


Trên đường từ Yên Kinh về nước, đi qua miếu thờ Kê Thị Trung 嵇侍中 (ở An Huy 安徽 ngày nay), Nguyễn Du nhớ đến bậc trung thần liệt sĩ. Khi vua Tấn 晉 Huệ Ðế 惠帝 (290-306) bị giặc đuổi, tên bắn như mưa, Kê Thị Trung đã lấy thân che cho vua, bị giết chết, máu phun vào cả áo nhà vua:

 Máu mãi còn lan trên mặt đất,
Tấm lòng trung cảm được vua ngu.
Khá thương Giang Tả sĩ phu,
Non sông bắt chước Sở tù khóc suông

photo dtk 2017


調






Kê Thị Trung (1) từ

Cổ miếu tùng hoàng nhất đái u
Thanh phong do tự trúc lâm (2) thu
Quảng Lăng (3) điệu tuyệt dư thanh hưởng
Chính khí ca (4) thành lập nọa phu
Cắng cổ vị can lưu huyết địa
Kì trung năng phá vấn mô ngu (5)
Khả liên Giang Tả (6) đa danh sĩ
Không đối giang san khấp Sở tù (7)

Dịch nghĩa:
Ðền thờ Kê Thị Trung

Ngôi miếu cổ với hàng tùng trúc xanh um
Vẻ thanh cao còn giống như rừng trúc
mùa thu
Điệu Quảng Lăng (của Kê Khang) đã dứt nhưng âm hưởng vẫn còn
Bài Chính khí ca (của Văn Thiên Tường) làm xong, dù kẻ ươn hèn cũng có chí hướng
Suốt từ xưa đến nay đất này chưa khô vết máu của bậc trung thần
Đáng thương cho đất Giang Tả nhiều danh sĩ
Mà chịu ngồi suông nhìn non sông khóc như những người tù nước Sở


chú thích

(1) Kê Thị Trung: Tức Kê Thiệu 嵇紹 (253-304), con Kê Khang 嵇康, làm chức Thị Trung đời Tấn Huệ Ðế 晉惠帝 (290-306). Khi Huệ Ðế bị giặc đuổi, tên bắn như mưa, Kê Thiệu lấy thân che cho vua, chết, máu phun vào cả áo vua.
(2) Trúc Lâm: Chỉ Trúc Lâm thất hiền 竹林七賢 (bảy người hiền ở Rừng Trúc, trong đó có Kê Khang, cha Kê Thiệu). Câu này ý nói con giống khí tiết cha.
(3) Quảng Lăng điệu: Tên một điệu đàn của Kê Khang 嵇康 (233-262). Ý nói Kê Khang tuy đã mất, nhưng con còn noi theo khí tiết của ông như điệu đàn Quảng Lăng 廣陵 đã dứt nhưng vẫn còn âm hưởng. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có câu: Kê Khang này khúc Quảng Lăng.
(4) Chính khí ca: Bài ca của Văn Thiên Tường 文天祥 (1236-1282) đời Nam Tống 南宋. Có câu : Vi Kê Thị Trung huyết 為嵇侍中血 nghĩa là làm giọt máu của ông Thị Trung họ Kê (liều chết bảo vệ vua).
(5) Vấn mô ngu: Cái ngu của người hỏi chuyện ễnh ương (hà mô 蝦蟆; cũng gọi là cáp mô 蛤蟆). Chỉ Tấn Huệ Ðế 晉惠帝 nghe ễnh ương kêu, hỏi: "Ễnh ương kêu vì công hay vì tư?" (Thử minh giả, vi quan hồ? vi tư hồ? 此鳴者, 為官乎? 為私乎?). Khi Huệ Ðế bị giặc đuổi, tên bắn như mưa, Kê Thiệu, làm chức Thị Trung, lấy thân che cho vua, chết, máu phun vào cả áo vua. Có người tâu vua bảo rửa vết máu trên áo, nhưng (dù mang tiếng là ngớ ngẩn) Huệ Ðế không nghe, nói để ghi nhớ Kê Thị Trung.
(6) Giang Tả: Vùng hạ lưu sông Trường Giang 長江, cũng gọi là Giang Ðông 江東. Lúc bấy giờ, nhà Tấn 晉 bị Ngũ Hồ 五胡 lấy Trung Nguyên 中原, phải chạy xuống Giang Ðông.
(7) Sở tù: Người nước Sở bị bắt làm tù binh. Sách Thế thuyết tân ngữ 世說新語 viết : "Những người nước Tấn thất bại qua sông, mỗi lần gặp tiết đẹp, họp nhau ở Tân Ðình 新亭 chè chén và nhìn nhau khóc". Vương Ðạo 王導 mặt biến sắc nói: "Ta phải hết sức giúp vua lấy lại nước cũ, sao lại bắt chước lũ tù binh nước Sở cứ nhìn nhau mà khóc?" (Đương cộng lục lực vương thất khắc phức Thần Châu, hà chí tác Sở tù tương đối 當共戮力王室, 克複神州, 何至作楚囚相對).


tham khảo

Giang Tả: http://zh.wikipedia.org/zh-tw/江左
Tấn Huệ Ðế: http://zh.wikipedia.org/zh-tw/晉惠帝
Văn Thiên Tường: http://www.43577.com/show/662100.shtml


Dịch thơ:
Ðền thờ Kê Thị Trung

Miếu cổ xanh um hàng tùng trúc,
Vẻ thanh thu rất mực Trúc Lâm.
Quảng Lăng đàn cũ vọng âm,
Bài ca Chính khí động tâm ươn hèn.
Máu mãi còn lan trên mặt đất,
Tấm lòng trung cảm được vua ngu.
Khá thương Giang Tả sĩ phu,
Non sông bắt chước Sở tù khóc suông.


(Đặng Thế Kiệt dịch)
 





No comments:

Post a Comment