Search This Blog

Tuesday, 21 February 2023

113 Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài 梁昭明太子分經石臺


Phiên âm: 
Lương Chiêu Minh thái tử (1) phân kinh thạch đài

Lương triều Chiêu Minh thái tử phân kinh xứ
Thạch đài do kí "Phân kinh" tự
Đài cơ vu một vũ hoa trung
Bách thảo kinh hàn tận khô tử
Bất kiến di kinh tại hà sở
Vãng sự không truyền Lương thái tử
Thái tử niên thiếu nịch ư văn
Cưỡng tác giải sự đồ phân phân
Phật bản thị không bất trước vật
Hà hữu hồ kinh an dụng phân
Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa
Thục vi kim cương vi pháp hoa
Sắc không cảnh giới mang bất ngộ
Si tâm quy Phật Phật sinh ma
Nhất môn phụ tử (2) đa giao tế
Nhất niệm chi trung ma tự chí
Sơn lăng bất dũng liên hoa đài
Bạch mã triêu độ Trường Giang thủy
Sở lâm họa mộc trì ương ngư
Kinh quyển thiêu hôi đài diệc dĩ
Không lưu vô ích vạn thiên ngôn
Hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ
Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn
Thuyết pháp độ nhân như Hằng Hà sa số
Nhân liễu thử tâm nhân tự độ
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu
Minh kính diệc phi đài (3)
Bồ Đề bản vô thụ
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kì trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân kinh thạch đài hạ
Chung tri vô tự thị chân kinh

Dịch nghĩa: 
Đài đá 'Chia kinh' của thái tử Chiêu Minh nhà Lương

Nơi Chiêu Minh thái tử triều Lương chia kinh
Đài đá còn ghi chữ "Chia kinh"
Nền đài gai góc lấp trong mưa bụi
Trăm loài cỏ sợ lạnh đều chết khô hết
Không thấy kinh còn lại nơi đâu
Chỉ nghe kể chuyện thời xưa
Lương thái tử thời niên thiếu say mê văn chương
Gượng bày đặt phân tách chi ly rắc rối
Phật vốn là không, chẳng vướng vào vật
Có gì tùy thuộc vào kinh mà chia với phân?
Văn thiêng không phải nhờ khoa ngôn ngữ
Cái gì là kinh Kim Cương, cái chi là kinh Pháp Hoa?
Cảnh giới Sắc Không mờ mịt không hiểu
U mê mà theo Phật thì Phật sinh ra ma
Cha con một nhà cùng mù quáng hết
Chỉ trong một niệm, ma tự đến
Ở nơi lăng núi không có đài sen nổi lên
Một sớm ngựa trắng vượt sông Trường Giang
Rừng nước Sở cháy, cây gặp tai họa, cá trong ao bị vạ
Kinh cháy ra tro, đài cũng đổ
Muôn nghìn lời để lại đều vô ích
Chỉ để cho đám sư ngu dốt đời sau tụng đọc điếc tai
Ta nghe nói đức Thế Tôn tại Linh Sơn
Thuyết Pháp cứu người nhiều như cát sông Hằng
Người hiểu tâm này, người tự độ
Linh Sơn chính ở tại lòng ta
Gương sáng không có đài
Bồ đề vốn không cây
Ta đọc Kinh Kim cương hơn nghìn lần
Nhiều yếu chỉ sâu sắc trong đó ta không rõ
Đến nay, dưới đài đá "Chia kinh"
Mới hiểu kinh "không chữ" mới thật là chân kinh

Dịch thơ: 
Đài đá "Chia kinh" của thái tử Chiêu Minh nhà Lương

Nơi Lương thái tử từng chia kinh
Hai chữ "Phân kinh" khắc rõ rành
Nền đá góc gai mưa bụi lấp
Trăm loài cỏ lạnh chết điêu linh
Chẳng thấy kinh xưa để lại đâu
Chỉ nghe kể chuyện đã từ lâu
Chiêu Minh thái tử mê văn tự
Chú giải lôi thôi chữ với câu
Phật vốn là không, chẳng vướng vật
Sao lại đem kinh chia với cắt?
Văn thiêng không nhờ ngôn ngữ khoa
Chi là Kim Cương, chi Pháp Hoa?
Sắc Không cảnh giới mù không hiểu
Theo Phật u mê Phật hóa ma
Cha con một họ cùng đui cả
Một niệm dấy lên, đến cửa ma
Lăng núi, đài sen không nổi dậy
Một hôm ngựa trắng vượt Trường Giang
Rừng cây nước Sở bừng bừng cháy
Kinh biến ra tro, đài sụp tan
Muôn nghìn lời cũng hoàn vô ích
Sư ngu hậu thế tụng lăng nhăng
Thế Tôn ở núi Linh truyền Pháp
Cứu người nhiều tựa cát sông Hằng
Người hiểu tâm này, người tự độ
Linh Sơn chính ở lòng ta đó
Gương sáng chẳng phải đài
Bồ đề cây không có
Ta đọc Kim Cương quá số nghìn
Yếu chỉ bên trong chưa thực rõ
Đến đây nền đá đài "Chia kinh"
"Không chữ" chân kinh, giờ mới tỏ

(Đặng Thế Kiệt dịch)

Chú thích:

(1) Lương Chiêu Minh thái tử: Con của Lương Vũ Đế 梁武帝, tức Tiêu Diễn 蕭統 (502-549), thời Nam Bắc triều 南北朝. Học rộng, ham nghiên cứu văn học, là tác giả bộ "Văn tuyển" 文選.
(2) Nhất môn phụ tử: Một nhà cha con (cùng không hiểu Pháp). Lương Vũ Đế 梁武帝, năm Phổ thông thứ 8, sai sứ đi thỉnh Bồ Đề Đạt Ma 菩提達摩 về thành đô là Kim Lăng. Đế hỏi: "Trẫm lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?". Sư Đạt Ma đáp: "Đều không công đức". "Tại sao không có công đức?". "Bởi vì những việc vua làm là hữu lậu chỉ có những quả nhỏ trong vòng Nhân, Thiên, như ảnh tùy hình, tuy có, nhưng không phải thật". "Vậy công đức chân thật là gì?"."Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được". Sau câu chuyện đối đáp này, Sư biết tâm vua không khế hợp được với pháp mình, bỏ đi. (Xem Sáu cửa Thiền thất, trang 138-139, Trúc Thiên dịch, chùa Khánh Anh xuất bản, Paris, France).
(3) Minh kính diệc phi đài: Bài kệ của Lục tổ Huệ Năng 六祖慧能: "Bồ đề bản vô thụ, Minh kính diệc phi đài, Bản lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai?" 菩提本無樹, 明鏡亦非臺。 本來無一物, 何處惹塵埃 (Bồ đề vốn không cây, Gương sáng chẳng phải đài, Xưa nay không một vật, Bụi bặm bám vào đâu?). Xem Thiền Luận (bộ Trung), trang 60-61, Daizetz teitaro Suzuki, Tuệ Sỹ dịch, An Tiêm xuất bản, Saigon, Việt Nam, 1971.


No comments:

Post a Comment