Search This Blog

Sunday 29 March 2015

131 Hoàng Mai đạo trung 黃梅道中


Nguyễn Du trên đường về nước. Theo tấu trình lên vua, sứ đoàn về đến Nam Quan ngày 29-03 năm Giáp Tuất (1814), tức là hơi muộn so với ngày dự tính trong bài thơ:
Đường tháng ba về tới,
Kịp tường vi nở hoa.


tường vi 薔薇 (photo 2005  dtk@hdc.com)









 

Ngô sơn (2) hành dĩ biến
Sở sơn (3) lai cánh đa
Đáo đắc thanh sơn tận
Kì như bạch phát hà
Hành (4) Nhạc (5) tuyết sơ tễ
Động đình xuân thủy ba
Kế trình tại tam nguyệt (6)
Do cập tường vi hoa


chú thích


(1) Hoàng Mai 黃梅: Dãy núi ở huyện Hành Dương 衡陽 tỉnh Hồ Nam 湖南.
(2) Ngô sơn 吳山: Núi thuộc nước Ngô (Giang Tô 江蘇, Chiết Giang 浙江, An Huy 安徽).
(3) Sở sơn 楚山: Núi thuộc nước Sở xưa (An Huy 安徽, Hồ Bắc 湖北, Hồ Nam 湖南).
(4) Hành 衡: Hành Dương 衡陽 ở Hồ Nam.
(5) Nhạc 岳: Nhạc Dương 岳陽 ở Hồ Bắc.
(6) Tam nguyệt 三月: Nguyễn Du về đến Nam Quan ngày 29 tháng ba năm Giáp Tuất (1814).

Dịch nghĩa:
Trên đường Hoàng Mai


Núi nước Ngô đã đi khắp
Đến nước Sở, núi càng nhiều
Đến được chỗ tận cùng núi xanh
Đầu bạc biết sao bây giờ
Đến Hành Dương, Nhạc Dương, tuyết vừa tạnh
Hồ Động Đình, nước xuân sóng sánh
Tính đường đi, tháng ba về tới
Còn kịp thấy hoa tường vi


Dịch thơ:
Trên đường Hoàng Mai


Núi Ngô đã đi khắp
Bao núi Sở cũng qua
Núi xanh đến cùng tận
Đầu bạc biết sao mà
Hành Nhạc tuyết vừa tạnh
Động Đình xuân sóng xa
Đường tháng ba về tới
Kịp tường vi nở hoa


(Đặng Thế Kiệt dịch)




Saturday 28 March 2015

109 Từ Châu đê thượng vọng 徐州堤上望


Từ Châu 徐州 xưa gọi là Bành Thành 彭城 (do Bành Tổ 彭祖 dựng nên từ thời vua Nghiêu 堯), nay thuộc tỉnh Giang Tô 江蘇. Trên đường về nước, Nguyễn Du đi qua đây vào khoảng cuối mùa thu năm Quý Dậu (1813).  
Trông xuống bụi hồng mờ mịt lối
Sớm chiều trong đó bước loanh quanh









 

Nhất hà nam bắc cổ tranh hành
Hà thượng Từ Châu cựu hữu danh
Hí mã cựu đài (1) thu thảo biến
Đoạn xà đại trạch (2) mộ vân bình
Nhất thành nhân vật oa trung nghĩ
Tứ lộ chu xa thủy thượng bình
Trướng vọng hồng trần diểu vô tế
Bất tri nhật nhật thử trung hành


chú thích


(1) Hí mã đài 戲馬臺: Đài đua ngựa, tại huyện Đồng Sơn 銅山. Thời Đông Tấn 東晉, ông Lưu Dụ 劉裕 (363-422) thường yến ẩm ngâm vịnh ở đó.
(2) Đoạn xà đại trạch 斷蛇大澤: Đầm chém rắn. Theo tích xưa, Hán Cao Tổ 漢高祖 thuở hàn vi đã có lần chặt đứt một con rắn ở cái đầm lớn nơi đây.

Dịch nghĩa:
Đứng trên đê Từ Châu nhìn ra xa


Một sông chia nam bắc, thời xưa tranh giành nhau
Phía trên sông là đất Từ Châu nổi tiếng thời trước
Đài đua ngựa cũ, cỏ thu mọc tràn
Đầm lớn "chém rắn" ngập mây chiều
Người vật trong thành như kiến trong tổ
Thuyền xe bốn ngả như bèo nổi trên nước
Buồn trông bụi hồng mù mịt không bờ bến
Không biết rằng ngày ngày vẫn đi lại trong đó


Dịch thơ: 

Đứng trên đê Từ Châu nhìn ra xa

Một sông nam bắc trước phân tranh
Dải đất Từ Châu vốn nổi danh
"Hí mã" đài xưa tràn cỏ úa
"Đoạn xà" đầm lớn ngập mây giăng
Một thành người vật: kiến xăng xái
Bốn ngả thuyền xe: bèo bập bình
Trông xuống bụi hồng bay lẽo đẽo
Sớm chiều trong đó bước loanh quanh


(Đặng Thế Kiệt dịch)



tham khảo


Đoạn xà đại trạch 斷蛇大澤: http://sou-yun.com/Query.aspx?type=allusion&id=1665&key=大澤誅蛇&lang=t
Lưu Dụ 劉裕 Tống Vũ Đế 宋武帝: http://zh.wikipedia.org/zh-tw/宋武帝















Friday 27 March 2015

132 Chu phát 舟發



image: http://cn.hujiang.com/new/p471897/

Chuyến đi sứ Trung Quốc — dài và lâu hơn 12 tháng trời:
• 06-04 Quý Dậu (06-05-1813): đi qua ải Nam Quan
• 29-03 Giáp Tuất (18-05-1814): về qua ải Nam Quan
Trên đường về nước, Nguyễn Du khởi hành từ Yên Kinh (tức Bắc Kinh bây giờ) ngày 24-10 năm Quý Dậu (16-11-1813). Trong bản tấu trình lên vua, Nguyễn Du ghi rõ "đi theo một dãy các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, An Huy, Hồ Bắc mà về Quảng Tây. (...) Ngày 11-12 mới đến tỉnh thành Vũ Xương, từ đấy lại theo đường thủy mà đi." Nguyễn Du qua sông Giang (Trường Giang 長江) và sông Hán (Hán Khẩu 漢口), ghé hồ Động Đình 洞庭 đẹp nhất trong Ngũ Hồ 五湖. Nguyễn Du lại đi qua Vũ Xương 武昌, nơi đã thăm trong lần đến, vào mùa thu năm đó. Vũ Xương có Hoàng Hạc Lâu 黃鶴樓 là nơi Thôi Hiệu 崔顥 đề thơ: Bạch vân thiên tải không du du 白雲千載空悠悠 (Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay — Tản Đà dịch).



便




 
Khứ biến đông nam lộ
Thông thông tuế dục chu
Tiện tòng Giang Hán khẩu
Lai phiếm Động Đình chu
Nhân bỉ lai thì sấu
Giang đồng khứ nhật thu
Hạc lâu thành vịnh xứ
Bạch vân không du du


Dịch nghĩa:
Thuyền ra đi


Đi khắp đường đông nam
Thấm thoát năm gần hết
Thuận theo cửa sông Giang Hán
Dong thuyền qua hồ Động Đình
Người gầy hơn so với lần đến
Sông vẫn như thu ngày trước
Ở chỗ vịnh thơ lầu thơ hạc cũ
Mây trắng cứ lững lờ trôi


Dịch thơ:
Thuyền ra đi


Đông nam đi khắp xứ
Thấm thoát trọn năm chừ
Thuận đường Giang Hán khẩu
Dong thuyền Động Đình hồ
Người gầy hơn lần đến
Sông vẫn ngày thu xưa
Chốn lầu thơ hạc cũ
Mây trắng bay lững lờ


(Đặng Thế Kiệt dịch) 





Thursday 26 March 2015

120 An Huy đạo trung 安徽道中



image: http://www.gyclass.com/meihuakatong/1449548.html

Trên đường về nước, Nguyễn Du đi qua tỉnh An Huy 安徽 vào đầu tháng 11 năm Quý Dậu (1813). 









Đề nha ách ách loạn lăng thần
Từ bắc Từ nam hiểu sắc phân
Nhất đái tuyết điền thanh giả mạch
Tứ sơn tùng thụ bạch vi vân
Du du hương quốc bát thiên lí
Lục lục công danh nhất phiến trần
Cộng chỉ mai hoa báo tiêu tức
Xuân hà tằng đáo dị hương nhân.


Dịch nghĩa:
Trên đường đi An Huy
 

Tiếng quạ kêu quác quác làm xáo trộn buổi hừng đông,
Ánh sáng ban mai phân chia rõ rệt hai vùng nam và bắc Từ Châu,
Một dải ruộng tuyết phủ, xanh là lúa mạch,
Bốn phía núi tùng mọc đầy, trắng là mây,
Quê hương mờ mịt, cách xa tám nghìn dặm
Lặn lội theo đuổi công danh, thân một áng bụi đời,
Cùng trỏ hoa mai báo tin tức,
Nhưng xuân có đến bao giờ với kẻ tha hương.


Dịch thơ (1):
Trên đường đi An Huy


Quạ kêu quác quác rộn sương mai,
Nam bắc Từ Châu rõ mặt ngày.
Ruộng tuyết một hàng xanh sắc lúa,
Núi tùng bốn phía trắng màu mây.
Mịt mù xứ sở muôn xa biệt,
Lấm láp công danh áng bụi bay.
Cùng trỏ hoa mai tin báo hiệu,
Xuân đâu đến với khách quê người.


(Đặng Thế Kiệt dịch)


Dịch thơ (2):
Trên đường đi An Huy


Quạ kêu xao xác sương mai,
Từ Châu nam bắc sáng ngày rõ phân.
Lúa xanh ruộng tuyết xa gần,
Núi non bốn mặt mây giăng trắng tùng.
Dặm nghìn cố quốc mịt mùng,
Công danh lăn lóc bụi hồng một phen.
Hoa mai chỉ trỏ báo tin,
Xuân đâu với kẻ linh đinh quê người!


(Hạt Cát 79 dịch)




tham khảo


An Huy 安徽: http://zh.wikipedia.org/zh-tw/安徽省




 

060 Sở vọng 楚望


Nguyễn Du đi qua đất Sở 楚 vào mùa thu năm Quý Dậu (1813).
Sở còn gọi là Tam Sở 三楚. Chỉ đất Hồ Bắc 湖北 và Hồ Nam 湖南. Hồ Bắc tự xưng là Kinh Sở 荊楚. Hồ Nam tự xưng là Tương Sở 湘楚. Sở Quốc 楚國 chỉ một nước chư hầu phồn vinh thời Xuân Thu Chiến Quốc 春秋戰國 (453-403 trước CN).










 

Kinh (1) Tương (2) thiên lí cổ danh đô
Nhất bán khâm giang nhất đái hồ (3)
Thiên giả phú cường cung bách chiến
Địa lưu khuyết hãm hạn Tam Ngô (4)
Thu phong lạc nhật giai hương vọng
Lưu thủy phù vân thất bá đồ
Tôn sách Lưu phân hà xứ tại (5)
Thương nhiên nhất vọng tận bình vu


chú thích


(1) Kinh 荊: Châu thứ nhất trong Cửu Châu 九州.
(2) Tương 襄: Đất Tương Dương 襄陽, nay ở tỉnh Hồ Bắc 湖北.
(3) Khâm giang đái hồ 襟江帶湖: Khâm là y khâm 衣襟 vạt áo, đái là y đái 衣帶 dải áo. Hình dung vùng đất đai có sông hồ bao bọc vây quanh như vạt áo và dải áo vậy. Vương Bột 王勃: Khâm Tam Giang nhi đái Ngũ Hồ 襟三江而帶五湖 (Đằng Vương Các tự 滕王閣序) Tam Giang là vạt áo và Ngũ Hồ là dải lưng (của đất đó).
(4) Tam Ngô 三吳: Ba miền nước Ngô, Ngô Hưng 吳興, Ngô Quận 吳郡 và Cối Kê 會稽 thời Tam Quốc 三國.
(5) Tôn Lưu 孫劉: Tức Tôn Quyền 孫權 và Lưu Bị 劉備, cùng tranh đất Kinh Châu 荊州.

Dịch nghĩa:
Trông vời đất Sở


Kinh, Tương nghìn dặm hai đất kinh đô nổi tiếng thời xưa
Một nửa sông bao quanh, một nửa là hồ
Trời cho giàu mạnh, đem cung ứng cho chiến tranh trăm trận
Đất để chừa khoảng trống giới hạn Tam Ngô
Gió thu lúc mặt trời lặn ngóng quê nhà
Nước trôi mây nổi, sạch hết mưu đồ làm bá làm vua
Đâu rồi đất Tôn Quyền tranh giành với Lưu Bị?
Trông chỉ thấy xanh um một vùng cỏ hoang


Dịch thơ:
Trông vời đất Sở


Kinh, Tương nghìn dặm cựu danh đô
Một nửa bọc sông, một nửa hồ
Giàu mạnh trời cho, nuôi bách chiến
Quanh co đất vạch, rõ Tam Ngô
Gió thu ngày xế vời quê cũ
Nước chảy mây trôi sạch bá đồ
Đâu đất Tôn, Lưu giành giựt mãi
Một vùng cây cỏ mọc hoang vu


(Đặng Thế Kiệt dịch)



tham khảo


Tam Giang Ngũ Hồ 三江五湖: http://xh.5156edu.com/html5/142791.html
Sở 楚: http://zh.wikipedia.org/zh-tw/楚








 

Wednesday 25 March 2015

061-062 Lỗi Dương Ðỗ Thiếu Lăng mộ 耒陽杜少陵墓


Nguyễn Du đi qua vùng Hồ Nam Hồ Bắc vào mùa thu năm Quý Dậu (1813). Tìm viếng mộ Đỗ Phủ (712-770) ở Lỗi Dương. Nhưng dấu tích ngôi mộ này đã mờ mịt. Nguyễn Du vốn bội phục Đỗ Phủ, cảm thương cuộc đời lận đận của bậc thi bá đời Đường, lại không khỏi chạnh nghĩ niềm riêng — có nhiều điểm tương đồng: Ở hai thời đại khác nhau, thương nhau rớt nước mắt.









 

Lỗi Dương (1) Ðỗ Thiếu Lăng (2) mộ

Thiên cổ văn chương thiên cổ si (sư)
Bình sinh bội phục vị thường li
Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ
Thu phố ngư long hữu sở ti (3) (tư)
Dị đại tương liên không sái lệ
Nhất cùng chí thử khởi công thi (4)?
Trạo đầu (5) cựu chứng y thuyên vị?
Ðịa hạ vô linh quỷ bối xuy (6).


chú thích

 

(1) Lỗi Dương 耒陽: ở tỉnh Hồ Nam 湖南. Năm Ðại Lịch 大曆 thứ 5 (770) đời vua Ðường Ðại Tôn 唐文宗, Ðỗ Phủ 杜甫 ở Hồ Nam 湖南 lưu lạc đến Hồ Bắc 湖北. Một hôm đến huyện Lỗi Dương lên núi yết Nhạc miếu, bị nước lụt dâng ngót mười hôm không trở về được. Quan huyện Lỗi Dương nghe tin bèn thân hành đưa thuyền đến đón. Về đến huyện, Ðỗ uống rượu say rồi mất. Gia đình nghèo không đưa hài cốt về quê được phải táng ở Lỗi Dương. Bốn mươi ba năm sau (813) cháu là Ðỗ Tự Nghiệp 杜嗣業 mới dời di hài về chôn gần mả tổ tại núi Thú Dương 首陽, tỉnh Hà Nam 河南. Nguyễn Du sang sứ Trung Quốc năm 1813, tức là một nghìn năm sau khi mả của Ðỗ Phủ đã dời về núi Thú Dương. Cho nên không còn ai biết nền cũ nằm ở chỗ nào.
(2) Ðỗ Thiếu Lăng 杜少陵: chỉ Ðỗ Phủ 杜甫 (712-770), một thi bá đời Thịnh Ðường. Vì có nhà ở đất Thiếu Lăng 少陵, phía nam Trường An 長安, tỉnh Thiểm Tây 陝西 nên có biệt hiệu là Thiếu Lăng.
(3) Hữu sở ti 有所思: trong bài Thu hứng 秋興 (số 4) của Ðỗ Phủ có câu: Ngư long tịch mịch thu giang lãnh, Cố quốc bình cư hữu sở ti 魚龍寂寞秋江冷, 故國平居有所思 nghĩa là: Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh, Thong thả lòng thêm nhớ cố hương. Nguyễn Du đã đúc hai câu làm một, vừa để nói lên nỗi lòng của Ðỗ Phủ ngày xưa, vừa tỏ tấm tình của mình khi đến viếng mộ: Mộ tuy không còn thấy, nhưng vẫn còn có chỗ để gởi lòng kính thương kính mộ là những áng thơ tuyệt tác như câu "Ngư long... "
(4) Công thi 工詩: câu này vừa khóc Ðỗ Phủ vừa than nỗi mình.
(5) Trạo đầu 掉頭: có nhiều nghĩa: lắc đầu, quay đầu lại, xoay đầu đi không đoái hoài (bất hồi cố), v.v. Đỗ Phủ: Sào Phủ trảo đầu bất khẳng trụ, Đông tương nhập hải tùy yên vụ 巢父 掉頭不肯住, 東將入海隨煙霧 (Tống Khổng Sào Phủ tạ bệnh quy du Giang Đông 送孔巢父謝病歸游江東). Câu thơ của Nguyễn Du nói đến "bệnh lắc đầu".
(6) Quỷ bối xuy 鬼輩嗤: Lũ quỷ dưới âm phủ chê cười. Hàn Dũ 韓 nói về Lí Bạch và Đỗ Phủ: Lí Đỗ văn chương tại, quang diễm vạn trượng trường. Bất tri quần nhi si, ná dụng cố báng thương 李杜文章在,光焰萬丈長。不知群兒癡,那用故謗傷 (Điệu Trương Tịch 調張籍) Văn chương Lí Bạch và Đỗ Phủ nghìn năm còn đó, ánh sáng chiếu ngời muôn trượng, sao bọn trẻ ranh ngu ngốc ấy dám báng bổ chê bai. Nguyễn Du hẳn cũng theo ý này, lo cho Đỗ Phủ không biết có còn bị lũ quỷ cười nhạo dưới âm ti chăng.

Dịch nghĩa:
Mộ Ðỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương (I)


Văn chương lưu muôn đời, bậc thầy muôn đời
Bình sinh bái phục không lúc nào ngớt
Cây tùng cây bá ở Lỗi Dương, không biết ở nơi nào?
Cá rồng trong bến thu, còn có chỗ để tưởng nhớ
Ở hai thời đại khác nhau, thương nhau, luống rơi nước mắt
Cùng khổ đến thế há phải bởi tại thơ hay?
Chứng bệnh lắc đầu ngày trước, bây giờ đã khỏi chưa?
Dưới địa phủ đừng để cho lũ quỷ cười


Dịch thơ:
Mộ Ðỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương (I)


Thơ thiên cổ cũng thầy thiên cổ,
Vốn một lòng ngưỡng mộ bấy nay.
Lỗi Dương tùng bá đâu đây?
Cá rồng thu lạnh sông đầy nhớ thương,
Há văn chương lụy người đến thế?
Chạnh nghìn xưa dòng lệ khôn ngăn,
Lắc đầu bệnh cũ còn chăng?
Suối vàng chớ để mấy thằng quỷ trêu.


(Quách Tấn dịch)










 

Mỗi độc nho quan đa ngộ thân (7)
Thiên niên nhất khốc Ðỗ Lăng nhân
Văn chương quang diễm thành hà dụng
Nam nữ thân ngâm (8) bất khả văn
Cộng tiển thi danh sư bách thế
Ðộc bi dị vực kí cô phần (9)
Thiên chu giang thượng đa thu tứ
Trướng vọng Lỗi Dương nhật mộ vân


chú thích

 

(7) Nho quan đa ngộ thân 儒冠多誤身: đây là một câu thơ trong bài Phụng tặng Vi Tả thừa trượng nhị thập nhị vận 奉贈韋左丞丈二十二韻 của Ðỗ Phủ.
(8) Nam nữ thân ngâm 男女呻吟: trong bài Càn Nguyên trung ngụ Ðồng Cốc huyện tác ca, thất thủ chi nhị 乾元中寓居同谷縣作歌,七首之二 (Năm Càn Nguyên ở huyện Ðồng Cốc, làm bảy bài ca - bài 2) có đoạn tả cảnh mùa đông, Ðỗ Phủ đầu bạc tóc rối đi đào khoai rừng. Nhưng tuyết xuống nhiều quá, phải về không: Nam nữ thân ngâm tứ bích tĩnh 男呻女吟四壁靜 Con trai gái kêu than, bốn vách lặng ngắt. Nguyễn Du, trong tập Nam Trung tạp ngâm 南中雜吟, bài Ngẫu đề 偶題 có một câu tương tự: Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc 十口啼饑橫嶺北. Quách Tấn dịch là: Mười miệng đòi cơm ngoài cõi bắc (Tố Như thi, Quách Tấn trích dịch, An Tiêm tái bản, Paris, France, 1995, trang 140).
(9) Kí cô phần 寄孤墳: gửi nấm mồ cô quạnh nơi đất khách. Xem chú thích (1).

Dịch nghĩa:
Mộ Ðỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương (II)


Mỗi lần đọc câu "mũ áo nhà nho thường làm lụy thân mình"
Lại khóc thương cho người đất Đỗ Lăng sống nghìn năm trước
Văn chương sáng ngời xong dùng được việc gì
Trai gái rên khóc chẳng đành lòng nghe
Ai cũng khen tài thơ là bậc thầy muôn thuở
Riêng ta thương cho ông phải gửi nấm mồ cô quạnh nơi đất khách
Một chiếc thuyền con trên sông, tứ thu dào dạt
Buồn bã trông đám mây chiều ở Lỗi Dương


Dịch thơ:
Mộ Ðỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương (II)


Mỗi lần đọc "Mũ nho thân lụy",
Lại khóc thương người cũ Ðỗ Lăng.
Ích gì ngời sáng thơ văn,
Bầy con kêu đói sao đành lòng đây?
Ai cũng khen thơ thầy muôn thuở,
Riêng ta thương phần mộ đìu hiu.
Thuyền sông thu nhớ thêm nhiều,
Buồn trông theo đám mây chiều Lỗi Dương.


(Đặng Thế Kiệt dịch) 




Tham khảo

Tố Như thi, Quách Tấn, An Tiêm tái bản tại Paris, 1995