Search This Blog

Wednesday, 22 February 2023

087 Hàn Tín giảng binh xứ 韓信講兵


Phiên âm: 
Hàn Tín (1) giảng binh xứ

Bách vạn tinh huy bắc độ Hà
Yên (2) giao địa hạ hữu trầm qua
Du du sự hậu nhị thiên tải
Đãng đãng thành biên nhất phiến sa
Khoái (3) ngũ vị thành cam lục lục
Quân tiền do tự thiện đa đa (4)
Khả liên thập thế sơn hà tại
Hậu thệ (5) đồ diên Giáng Quán gia

Dịch nghĩa: 
Chỗ Hàn Tín luyện quân

Trăm vạn cờ xí vượt sông Hoàng Hà phía bắc
Dưới đất Yên còn vùi gươm giáo
Việc xa xôi xảy ra đã hai nghìn năm
Mênh mông ở bên thành một bãi cát
Cùng hàng với bọn Phàn Khoái, chưa thành công, cam chịu tầm thường
Trước mặt vua vẫn tự cho (có tài cầm quân), "càng nhiều càng tốt"
Thương thay, sơn hà nhà Hán đã được mười đời rồi
Nhưng chỉ có Giáng Hầu, Quán Anh là được hưởng lời thề nồng hậu (của vua Hán Cao Tổ)

Dịch thơ: 
Chỗ Hàn Tín luyện quân

Hoàng Hà trăm vạn lá cờ bay
Gươm giáo còn chôn dưới đất này
Xa tít hai nghìn năm chuyện cũ
Mênh mông một bãi cát thành nay
Tướng thua, bậc thấp ngang Phàn Khoái
Vua hỏi, quân nhiều đánh lại hay
Nhà Hán mười đời cơ nghiệp nối
Lời thề ... Giáng, Quán hưởng phần may

(Đặng Thế Kiệt dịch)

Chú thích:

(1) Hàn Tín: Người đất Hoài Âm 淮陰 (thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay) giúp Lưu Bang 劉邦, lập nhiều công trạng, là công thần bậc nhất nhà Hán. Sau bị mang tiếng làm phản, Hán Cao Tổ 漢高祖 giáng chức làm Hoài Âm Hầu 淮陰侯. Lữ Hậu 呂后 giết cả ba họ nhà Tín. (Xem "Độ Hoài hữu cảm Hoài Âm Hầu").
(2) Yên: Tên đất ở đông bắc Trung Quốc, gần Bắc Kinh ngày nay.
(3) Khoái: Tức Phàn Khoái 樊噲, tướng dưới quyền Hàn Tín. Khi Hàn Tín bị giáng chức, nói: "Ra mình ngang hàng với bọn Khoái!" (xích chi vi Khoái ngũ 斥之為噲伍)
(4) Thiện đa đa: Hán Cao Tổ 漢高祖 hỏi : "Như tài ta thì chỉ huy được bao nhiêu quân ?" . Đáp: "Bệ hạ bất quá chỉ huy được mười vạn là cùng". Lại hỏi: "Còn ông?". Đáp: "Thần thì càng nhiều quân càng hay".
(5) Hậu thệ: Hán Cao Tổ phong tước cho các công thần thề rằng: "Bao giờ sông Hoàng Hà chỉ còn bé như chiếc dải áo, núi Thái Sơn mòn đi chỉ còn bằng viên đá mài, nước vẫn còn truyền cho con cháu". Nhưng trong số công thần đó, chỉ có Giáng hầu Chu Bột và Quán Anh được hưởng phú quí. Còn Trương Lương bỏ đi tu tiên, Tiêu Hà bị hạ ngục, Hàn Tín bị giết chết. (Xem Sử ký của Tư Mã Thiên, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, Lá Bối xuất bản, 1972, Saigon, Việt Nam, trang 580-581)



No comments:

Post a Comment