Search This Blog

Tuesday 16 June 2015

073 Độ Hoài hữu cảm Văn Thừa Tướng 渡淮有感文丞相

 

Độ Hoài (1) hữu cảm Văn Thừa Tướng (2)

Sơn hà phong cảnh thượng y nhiên
Thừa tướng cô trung vạn cổ truyền
Nhất độ Hoài Hà phi cố vũ
Trùng lai Giang Tả cánh hà niên
Ai trung xúc xứ minh kim thạch
Oán huyết quy thời hóa đỗ quyên (3)
Nam Bắc chỉ kim vô dị tục
Tịch dương vô hạn vãng lai thuyền.


Chú thích


(1) Độ Hoài 渡淮: Sông Hoài thuộc phần đất hai tỉnh An Huy 安徽, Giang Tô 江蘇. Khi nước Tống 宋 bị người Kim 金 đánh bại, phải cắt đất để cầu hòa, lấy sông Hoài làm ranh giới. Từ sông Hoài trở lên Bắc thuộc về Kim, từ sông trở xuống Nam thuộc về nhà Tống. Từ ấy nhà Tống gọi là Nam Tống, còn gọi là miền Giang Tả vì ở tả ngạn sông Hoài.
(2) Văn Thừa Tướng 文丞相: Tức Văn Thiên Tường 文天祥 (1236-1282), hiệu Văn Sơn 文山, làm Thừa Tướng nhà Nam Tống 南宋. Khi quân Nguyên 元 xâm chiếm nước Tống, Văn Thiên Tường khởi binh chống cự. Quân Tống thua, nhà Tống mất. Văn Thiên Tường bị bắt giam ở Yên Kinh 燕京 4 năm, không chịu khuất phục nên bị giết. Văn Thiên Tường có tập thơ nhan đề là Chỉ Nam Lục 指南錄 và Chỉ Nam hậu lục 指南後錄, tả những cảnh ngộ đã trải qua khi chạy nạn. Lời văn bi thiết. Trong thơ Văn Thiên Tường có câu:
Tùng kim biệt khước Giang Nam lộ
Hóa tác đề quyên đới huyết quy
從今別卻江南路
化作啼鵑帶血歸
(Từ nay biệt hẳn đường Giang Nam
Sẽ hóa thành chim quốc đeo máu mà về)
(3) Đỗ quyên 杜鵑: Chim cuốc. Có tên nữa là Tử Quy 子規.

Dịch nghĩa:
Qua sông Hoài nhớ Văn Thừa Tướng


Phong cảnh núi sông vẫn còn y như cũ
Tấm lòng cô trung của thừa tướng muôn thuở lưu truyền
Vượt qua khỏi sông Hoài, không còn là đất cũ nữa
Biết đến năm nào mới trở lại miền Giang Tả?
Nỗi thương cảm đến chốn nào đều kêu lên tiếng vàng tiếng đá
Máu oán hận lúc trở về hóa thành chim quốc
Ngày nay phong tục miền bắc miền nam không khác nhau nữa
Dưới bóng chiều tà, thuyền qua lại tấp nập


Dịch thơ:
Qua sông Hoài nhớ Văn Thừa Tướng


Non sông ngày trước cảnh còn y,
Một phiến trung hồn muôn thuở ghi.
Qua khỏi Hoài Hà đành hết đất,
Trở về Giang Tả những chờ khi.
Lòng thơm chạm trổ lời kim thạch,
Máu hận trào sôi kiếp tử quy.
Phong tục Bắc Nam rày chẳng khác,
Ghe thuyền lai vãng nhộn tà huy.


(Quách Tấn dịch)






Tham khảo


Tố Như thi, Quách Tấn trích dịch, An Tiêm tái bản, Paris, France, 1995 (trang 209-211).








Monday 15 June 2015

072 Độ Hoài hữu cảm Hoài Âm Hầu 渡淮有感淮陰侯






谿


 
Độ Hoài hữu cảm Hoài Âm Hầu (1)

Tầm thường nhất phạn báo thiên câm (2)
Ngũ tải quân thần phận nghị thâm
Thôi thực giải y (3) nan bội đức
Tàng cung phanh cẩu (4) diệc cam tâm
Bách Man (5) khê động lưu miêu duệ
Lưỡng Hán sơn hà biến cổ câm
Trù trướng giang đầu tư vãng sự
Đoạn vân suy thảo mãn (6) Hoài Âm


Chú thích


(1) Hoài Âm Hầu 淮陰侯: Tức Hàn Tín 韓信 (230 trước CN - 196 trước CN), người đất Hoài Âm (thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay).
(2) Nhất phạn báo thiên kim 一飯報千金: Hàn Tín thuở trẻ nhà nghèo, được bà phiếu mẫu (làm nghề giặt quần áo) cho bữa cơm. Sau thành công, Hàn Tín trả ơn nghìn vàng.
(3) Thôi thực giải y 推食解衣: Hàn Tín giúp Lưu Bang lập nên nghiệp đế thành Hán Cao Tổ. Hán Cao Tổ phong Hàn Tín làm Sở Vương. Người nước Tề là Khoái Thông 蒯通 biết rằng cái thế hơn thua trong thiên hạ tùy thuộc ở nơi Hàn Tín (...), muốn thuyết phục Hàn Tín cùng với Hán, Sở tạo thành cái thế chân vạc. Hàn Tín nói: "Hán vương đãi tôi rất hậu, nhường xe cho tôi đi, nhường áo cho tôi mặc, nhường bữa cho tôi ăn (...); tôi há dám đuổi theo mối lợi mà quay lưng lại với điều nghĩa!"
(4) Tàng cung phanh cẩu 藏弓烹狗: Sau Hàn Tín bị nghi oan làm phản, bị Hán vương giáng làm Hoài Âm Hầu, rồi bị Lữ Hậu giết cả ba họ. Quả đúng như người ta nói : "Con thỏ tinh khôn mà chết, thì con chó săn giỏi bị luộc, đám chim bay cao mà hết, thì chiếc cung tốt xếp xó; nước địch mà phá xong, thì người mưu thần chết." (Xem Sử ký của Tư Mã Thiên, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, Lá Bối xuất bản, 1972, Saigon, Việt Nam, trang 573-580).
(5) Bách Man ... miêu duệ 百蠻谿峒留苗裔: Tương truyền, để giúp Hàn Tín có con cháu nối dõi, hai người bạn Tiêu Hà 蕭何 và Khoái Triệt 蒯徹 (tức là Khoái Thông 蒯通 — viết không kiêng tên húy của Hán Vũ Đế 漢武帝 là Lưu Triệt 劉徹) đã che giấu nàng hầu đang có mang của Hàn Tín trong rừng núi phương nam, ở đất Bách Man.
(6) mãn 滿: có bản chép là cách 隔.

Dịch nghĩa:
Qua sông Hoài, nhớ Hàn Tín


Được cho một bữa cơm thường, đền ơn ngàn vàng
Năm năm trời, tình nghĩa vua tôi thật thắm thiết
Ơn đức nhường cơm sẻ áo thật khó quên
Dù chịu nạn 'cất cung giết chó' cũng cam lòng
Trong khe động đất Bách Man còn để lại dòng giống
Núi sông hai nhà Hán thay đổi theo thời gian
Qua bến sông, ngậm ngùi nhớ chuyện cũ
Mây rời rạc, cỏ úa tàn tràn đầy đất Hoài Âm


Dịch thơ:
Qua sông Hoài, nhớ Hàn Tín


Bát cơm Phiếu Mẫu trả nghìn vàng
Thắm thiết vua tôi nghĩa nặng mang
"Sẻ áo nhường cơm" thêm cảm đức
"Giấu cung giết chó" cũng cam lòng
Đất Man khe động còn con cháu
Nhà Hán cơ đồ đâu bóng vang
Bến nước ngậm ngùi ôn chuyện cũ
Rạc rời mây cỏ úa Hoài Âm.


(Đặng Thế Kiệt dịch)








Sunday 14 June 2015

071 Ngẫu hứng 偶興



Tín Dương thành thượng động bi già
Thu mãn Hà Nam bách tính gia
Vạn lí hương tâm hồi thủ xứ
Bạch vân (1) nam hạ bất thăng đa


Chú thích


(1) Bạch vân 白雲: Ðịch Nhân Kiệt 狄仁傑, đời Ðường, chỉ đám mây trắng nói nhà ta ở dưới kia kìa.

Dịch nghĩa:
Chợt hứng


Trên thành Tín Dương vang lên tiếng kèn ai oán
Thu tràn ngập nhà (trăm họ) dân Hà Nam
Lòng nhớ quê xa vạn dặm, quay đầu lại
Mây trắng ở phía nam nhiều biết là bao


Dịch thơ:
Ngẫu hứng


Tín Dương ai oán tiếng kèn,
Hơi thu tràn ngập khắp miền nhân gian.
Cố hương cách trở muôn ngàn,
Kìa trông mây trắng vô vàn dưới kia.


(Đặng Thế Kiệt dịch)






070 Tín Dương tức sự 信陽即事



Tín Dương (1) tức sự

Hà Nam thủ Tín Dương
Thiên hạ thử trung ương (2)
Phiến thạch tồn Thân (3) quốc
Trùng sơn hạn Sở cương
Mã minh tư tự mạt
Dân thực bán bỉ khang
Bạch phát thu hà hận
Tây phong biến dị hương


Chú thích


1) Tín Dương 信陽: Tên huyện ở phía nam tỉnh Hà Nam 河南.
(2) Trung ương 中央: Thời cổ, Hà Nam ở giữa chín châu (tức Trung Quốc).
(3) Thân quốc 申國: Một nước chư hầu của nhà Chu, ở đất Trần 陳 (nay thuộc Hà Nam, Hoài Dương 淮陽).

Dịch nghĩa:
Tức cảnh ở Tín Dương


Huyện
Tín Dương đầu tỉnh Hà Nam
Đây là trung tâm của thiên hạ
Phiến đá còn ghi dấu nước Thân
Núi non trùng điệp ngăn cách bờ cõi nước Sở
Ngựa kêu đòi ăn thóc lúa
Dân ăn nửa là những hạt trấu lép
Tóc trắng, thu đến, giận làm sao
Gió tây thổi khắp trên quê người


Dịch thơ:
Tức cảnh ở Tín Dương


Tín Dương đầu tỉnh Hà Nam,
Là đây thiên hạ trung tâm cổ thời.
Nước Thân ghi dấu đá rời,
Núi non trùng điệp muôn đời Sở xưa.
Ngựa kêu ăn lúa hay chưa,
Dân cơm trộn trấu cho vừa hẩm hiu.
Thu về giận biết bao nhiêu,
Gió tây tóc trắng đìu hiu quê người.


(Đặng Thế Kiệt dịch)








Saturday 13 June 2015

118 & 119 Vương Thị tượng 王氏像


(I)





婿



 

Vương Thị (1) tượng

Thiệt trường tam xích cánh hà vi
Hảo dữ quyền gian bị xướng tùy
Hậu hoạn chính ân cầm hổ nhật (2)
Tiền công an vấn ẩm long kì (3)
Nhất sinh tâm tích đồng phu tế
Thiên cổ hình hài nhục nữ nhi
Để sự tưởng lai "mạc tu hữu" (4)
Khuê trung tư ngữ cánh thùy tri (5)


Chú thích


(1) Vương Thị 王氏: Vợ Tần Cối 秦檜. Xem bài Tần Cối tượng 秦檜像.
(2) Cầm hổ nhật 擒虎日: Ngày bắt được cọp. Vợ chồng Tần Cối muốn hòa với người Kim, tìm cách bắt Nhạc Phi 岳飛 để trừ hậu hoạn.
(3) Long kì 龍期: Chỉ Hoàng Long 皇龍, kinh đô nước Kim. Nhạc Phi hẹn với tướng sĩ uống rượu mừng chiến thắng quân Kim ở đây.
(4) Mạc tu hữu 莫須有: Tần Cối bắt giam Nhạc Phi, nhưng không kết tội được. Khi Hàn Thế Trung 韓世忠 hỏi, Tần Cối trả lời: "Mạc tu hữu" 莫須有 (không cần có tội). Ðời sau gọi đó là "tam tự ngục" 三字獄 (án ba chữ).
(5) Khuê trung tư ngữ 閨中私語: "Ðêm qua rủ rỉ rù rì, Tiếng nặng bằng bấc, tiếng chì bằng bông" (Ca dao Việt Nam).

Dịch nghĩa:
Tượng Vương Thị (bài I)


Lưỡi dài ba tấc để làm chi
Khéo cùng quyền thần gian ác kết nên vợ chồng
Ngày bắt được cọp chính là ngày trừ được cái lo về sau
Hỏi làm chi cái công ước hẹn uống rượu mừng (thắng trận) ở Hoàng Long
Một đời bụng dạ cử chỉ giống như chồng
Nghìn năm hình hài làm nhục cho phụ nữ
Ngẫm lại cái án "không cần tội" (án ba chữ)
Trong phòng khuê thủ thỉ nói riêng, ai biết được


Dịch thơ:
Tượng Vương Thị (bài I)


Lưỡi dài ba tấc để làm gì
Nên vợ gian thần khéo tỉ tê
Hậu hoạn trừ ngày bắt được cọp
Hoàng Long hẹn buổi tiếc mà chi
Một đời bụng dạ y chồng vợ
Nghìn năm thân xác nhục thê nhi
Ngẫm lại án xưa "ba chữ tội"
Phòng khuê ai biết có rù rì


(II)










 

Vương Thị tượng
 
Thâm đồ mật toán thắng phu quân
Ưng thị thần kê đệ nhất nhân
Bất lạn dĩ sinh tam thốn thiệt
Thuần cương hoàn đắc vạn niên thân
Xướng tùy tận đạo ưng vô hối
Kĩ lưỡng đồng niên cánh khả thân
Mạc đạo nữ nhi vô lực lượng
Dã tằng hám phá nhạc gia quân


Chú thích


(6) Nhạc gia quân 岳家軍: Tần Cối giết Nhạc Phi trong ngục, quân của Nhạc Phi tan rã.

Dịch nghĩa: 

Tượng Vương Thị (bài II)

Mưu tính thâm hiểm hơn chồng
Đúng là "gà mái gáy sáng" bậc nhất
Sinh ra đã có ba tấc lưỡi "bất hủ"
Lại có được tấm thân muôn năm toàn bằng gang thép
Giữ trọn đạo vợ chồng, không có gì hối tiếc
Tài khéo gian xảo cùng chồng càng thêm thân mật
Chớ bảo đàn bà không có sức mạnh
(Y thị) đã từng phá tan quân của họ Nhạc


Dịch thơ:
Tượng Vương Thị (bài II)


Mưu sâu mẹo hiểm vượt xa chồng
Hạng nhất loài "gà mái gáy đông"
Ba tấc lưỡi dài càng uốn éo
Nghìn năm tượng sắt mãi đây còn
Vợ chồng trọn đạo không gì hối
Gian xảo đồng tình mấy kẻ hơn
Chớ bảo đàn bà không sức mạnh
Đã từng phá vỡ Nhạc ba quân


(Đặng Thế Kiệt dịch)









Friday 12 June 2015

116 & 117 Tần Cối tượng 秦檜像


photo dtk 2005 Hàng Châu
(I)

殿







 

Tần Cối (1) tượng (bài I)

Điện cối (2) hà niên trùy tác tân
Khước lai y bạng Nhạc Vương phần
Thị phi tẫn thuộc thiên niên sự
Đả mạ hà thương nhất giả thân
Như thử tranh tranh chân thiết hán
Nại hà mĩ mĩ sự kim nhân
Thùy vân ư thế vô công liệt
Vạn cổ do năng cụ loạn thần


Chú thích


(1) Tần Cối 秦檜: Ngự sử Trung thừa đời Tống Khâm Tông 宋欽宗. Tần Cối chủ hòa với người Kim, sát hại Nhạc Phi 岳飛 và nhiều trung thần, nghĩa sĩ nhà Tống. Chết được phong là Trung Vương 忠王. Đến đời Tống Minh Tông 宋明宗, Cối bị xóa tước vương và đặt tên thụy là Mâu Xú 繆醜. Người ời sau dựng tượng Tần Cối quỳ chịu tội ở chân miếu Nhạc Phi (Xem Nhạc Vũ Mục mộ 岳武穆墓). Người ta thường lấy gậy đánh và nhổ vào mặt tượng.
(2) Điện cối 殿檜: Truyền thuyết ở bên điện vua Tống Huy Tông 宋徽宗 có một cây cối sinh ra nấm ngọc, người ta cho là điềm Tần Cối được trọng dụng, để sau làm mất nhà Tống. Sau cây cối đó bị chẻ làm củi.

Dịch nghĩa:
Tượng Tần Cối
(bài I)

Cây cối bên điện vua bị chẻ làm củi năm nào
Sao đến nương tựa bên mộ Nhạc Vương
Đúng hay sai, là chuyện nghìn năm phán xét
Đánh mắng đâu có làm đau đớn một cái thân giả
Coi cứng cáp thế kia, thật là con người sắt thép
Sao lại quỵ lụy đi thờ người Kim
Ai bảo nó không có công trạng gì ở đời?
Muôn đời lấy đó làm (làm gương) cho loạn thần phải sợ


Dịch thơ:
Tượng Tần Cối


Cối kia làm củi tự năm nào
Quẩn mộ Nhạc Phi hỏi cớ sao?
Định luận nghìn năm hay phải trái
Đánh la một xác chẳng buồn đau
Bề ngoài sắt thép coi ra vẻ
Trước mặt người Kim lại cúi đầu
Ai bảo tượng này vô tích sự?
Loạn thần ngó thấy ớn nghìn sau


(II)










Tần Cối tượng

Cách Thiên (3) các hủy ngọc lâu tàn
Do hữu ngoan bì tại thử gian
Nhất thế tử tâm hoài đại độc
Thiên niên sinh thiết phụ kì oan
Ngục trung dĩ tiễn sinh tiền huyết (4)
Giai hạ đồ tru tử hậu gian
Đắc dữ trung thần đồng bất hủ
Tề thiên kì phúc thái vô đoan


Chú thích

(3) Cách Thiên các 格天閣: Tần Cối ở gác Cách Thiên, do câu Nhất đức cách thiên 一德格天 (Đức cảm được lòng trời) của vua Tống Huy Tông đề.
(4) Sinh tiền huyết 生前血: Tần Cối chủ hòa với người Kim, giết Nhạc Phi trong ngục (Xem Nhạc Vũ Mục mộ 岳武穆墓).

Dịch nghĩa:
Tượng Tần Cối (bài II)

Gác Cách Thiên đổ nát, lầu ngọc tan hoang
Vẫn còn tên gian ngu bướng càn rở ở đây
Cả một đời trái tim chết chứa nọc độc
Nghìn năm cục sắt sống mang nỗi oan kì lạ
Trong ngục (kẻ trung thần) khi sống đã đổ máu
Dưới thềm hành tội tên gian ác đã chết rồi
Được với bậc trung thần cùng bất hủ
Cái phúc lạ tày trời đó thật oái ăm vô lí

Dịch thơ:
Tượng Tần Cối (bài II)

Gác Thiên lầu ngọc đã hoang tàn
Luẩn quẩn nơi đây gã đại gian
Một kiếp trái tim đầy nọc độc
Nghìn năm tượng sắt chịu niềm oan
Trung thần trong ngục tan thân chết
Ác tướng dưới thềm kể tội mang
Cùng với người trung còn mãi mãi
Tày trời phúc lạ nói sao đang 

 
(Đặng Thế Kiệt dịch)