Search This Blog

Monday 20 April 2015

055 Phản Chiêu hồn 反招魂


Thương cho Khuất Nguyên 屈原 (352-281 trước CN), sau khi tự trầm ở sông Mịch La 汨羅, hồn phách sắp tiêu tan, Tống Ngọc 宋玉 làm bài Chiêu hồn 招魂 để gọi hồn Khuất Nguyên. Nguyễn Du đi qua Trường Sa 長沙 khoảng mùa thu năm Quý Dậu (1813), quyết liệt phản bác: 

image: Internet

Thu tinh thần về nơi Thái Cực,
Chớ về đây người chực mỉa mai.
Thượng Quan thời buổi ai ai,
Khắp trên đất rộng sông dài: Mịch La!
Cá rồng nuốt, sói hùm tha,
Hồn ơi! hồn hỡi! hồn mà làm sao?


西

















 


Phản Chiêu hồn (1)

Hồn hề! hồn hề! hồ bất quy?
Ðông tây nam bắc vô sở y
Thướng thiên há địa giai bất khả
Yên, Dĩnh (2) thành trung lai hà vi?
Thành quách do thị, nhân dân phi
Trần ai cổn cổn ô nhân y.
Xuất giả khu xa, nhập cứ tọa
Tọa đàm lập nghị giai Cao, Quỳ (3)
Bất lộ trảo nha dữ giác độc
Giảo tước nhân nhục cam như di!
Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu
Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì
Hồn hề! hồn hề! suất thử đạo
Tam Hoàng (4) chi hậu phi kì thì
Tảo liễm tinh thần phản Thái Cực
Thận vật tái phản linh nhân xi
Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan (5)
Ðại địa xứ xứ giai Mịch La (6)
Ngư long bất thực, sài hổ thực
Hồn hề! hồn hề! nại hồn hà?


Dịch nghĩa:
Chống lại bài Chiêu hồn


Hồn ơi! hồn ơi! sao chẳng về?
Ðông tây nam bắc không chốn nương tựa
Lên trời xuống đất đều không được
Còn trở về thành Yên thành Sính làm gì?
Thành quách còn đây, nhân dân đã khác
Bụi bặm mù bay làm dơ bẩn quần áo
Ra ngoài thì ruổi xe, vào nhà ngồi chễm chệ
Ðứng ngồi bàn bạc như hai bậc hiền thần Cao, Quì
Không để lộ ra nanh vuốt nọc độc
Mà cắn xé thịt người ngọt xớt
Không thấy sao mấy trăm châu ở Hồ Nam
Chỉ có người gầy gò, không ai béo tốt
Hồn ơi! hồn ơi! nếu cứ noi theo lối đó
Thì sau Tam Hoàng không hợp thời nữa
Hãy sớm thu góp tinh thần trở lại Thái Cực
Ðừng trở lại đây nữa để người ta mai mỉa
Ðời sau đều là Thượng Quan
Khắp mặt đất đều là sông Mịch La
Cá rồng không ăn, sói hùm cũng nuốt
Hồn ơi! hồn ơi! hồn làm sao đây?


Chú thích


(1) Chiêu hồn 招魂: Tên một bài từ của Tống Ngọc 宋玉 để gọi hồn Khuất Nguyên 屈原.
(2) Yên Dĩnh 鄢郢: Tên hai thành nước Sở, thời Chiến Quốc 戰國 (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc 湖北).
(3) Cao Quỳ 皋夔: Tên hai bậc hiền thần đời Ngu Thuấn 虞舜.
(4) Tam Hoàng 三皇: Chỉ Phục Hy 伏羲, Nữ Oa女媧 và Thần Nông 神農, ba vị vua cổ nhất của Trung Quốc.
(5) Thượng Quan 上官: Tức Thượng Quan Cận Thượng 上官靳尚, người gièm pha Khuất Nguyên 屈原 với Sở Hoài Vương 楚懷王.
(6) Mịch La 汨羅: Khúc sông hợp lưu của hai sông Mịch và La. Nay ở phía bắc huyện Tương Âm 湘陰, tỉnh Hồ Nam 湖南. Sau người ta còn gọi là Khuất Ðàm (Vì Khuất Nguyên tự trầm ở đây).

Dịch thơ:
Chống lại bài Chiêu hồn


Hồn ơi! sao chẳng trở về?
Ðông tây nam bắc chở che chốn nào?
Dù đất thấp trời cao chẳng ổn,
Yên, Dĩnh đành lạc lõng như nhau.
Thành đây, dân cũ còn đâu,
Bụi đời mù mịt dơ màu áo xưa.
Ra xe đưa, vào ngồi chễm chệ,
Bàn bạc xem ra vẻ hiền thần.
Vuốt nanh, nọc độc chứa ngầm,
Thịt người cắn xé như đường nuốt ngon!
Hồ Nam kia thấy không trăm xóm,
Toàn những người gầy ốm xanh xao.
Hồn ơi! lối ấy theo nhau,
Ðời Tam Hoàng trước lấy đâu hợp thời.
Thu tinh thần về nơi Thái Cực,
Chớ về đây người chực mỉa mai.
Thượng Quan thời buổi ai ai,
Khắp trên đất rộng sông dài: Mịch La!
Cá rồng nuốt, sói hùm tha,
Hồn ơi! hồn hỡi! hồn mà làm sao?


(Đặng Thế Kiệt dịch)


tham khảo

http://zh.wikipedia.org/wiki/三皇五帝


 

Monday 13 April 2015

053-054 Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu 湘潭弔三閭大夫


Nguyễn Du đến Trường Sa 長沙 (tỉnh Hồ Nam 湖南) ngày 18-7 năm Quý Dậu (1813). Xưa kia, Khuất Nguyên 屈原 (352-281 trước CN) bị đày ra đây.
Nơi nào gởi mối thương tâm,
Lá thu gió rụng nẻo tầm Nguyên Tương.


lan tím (photo VP @huediepchi)









 

Kì I

Tương Đàm (1) điếu Tam Lư đại phu (2)

Hiếu tu (3) nhân khứ nhị thiên tải,
Thử địa do văn lan chỉ (4) hương.
Tông quốc tam niên bi phóng trục,
Sở từ (5) vạn cổ thiện văn chương.
Ngư long giang thượng vô tàn cốt,
Đỗ nhược (6) châu biên hữu chúng phương.
Cực mục thương tâm hà xứ thị,
Thu phong lạc mộc quá Nguyên Tương (7).


Chú thích


(1) Tương Đàm 湘潭: Tên một huyện ở tỉnh Hồ Nam 湖南.
(2) Tam Lư Đại Phu 三閭大夫: Tức Khuất Nguyên 屈原 (352-281 trước CN). Người nước Sở, thời Chiến Quốc, làm quan đến chức Tam Lư Đại Phu. Lúc đầu được vua Sở tin dùng, bằng lòng thi hành chủ trương chính trị của ông. Nhưng sau vua nghe lời bọn nịnh thần, đày ông đi Trường Sa 長沙. Ông theo dòng sông Tương đến sông Mịch La 汨羅. Ông buồn bã làm ra Li Tao 離騷. Rồi ngày mùng 5 tháng 5 nhảy xuống sông tự trầm.
(3) Hiếu tu 好修: Thích sửa sang đức tốt. Trong Li Tao có câu: Dư độc hiếu tu dĩ vi thường 余獨好修以為常.
(4) Lan chỉ 蘭芷: Khuất Nguyên 屈原: Hỗ giang li dữ tích chỉ hề, Nhân thu lan dĩ vi bội 扈江離與辟芷兮, 紉秋蘭以為佩 (Li tao 離騷) Giắt cỏ giang li và tích chỉ hề, Kết hoa thu lan để đeo.
(5) Sở Từ 楚詞: Thi ca nước Sở. Li Tao nằm trong bộ Sở Từ. Bộ này gồm tác phẩm của nhiều người, song những tác phẩm này đều có sau Li Tao và đều do Li Tao mà có, nên Li Tao được coi như nguồn gốc của Sở Từ. Li Tao ra đời sau Kinh Thi, tập thơ cổ nhất của Trung Quốc. Hai bộ sách này là nguồn gốc của thi ca Trung Quốc, và có ảnh hưởng rất lớn đối với nền cổ văn học Việt Nam.
(6) Đỗ nhược 杜若: Một thứ cỏ thơm. Trong Li Tao có câu: Chiết nhược mộc dĩ phất nhật hề 折若木以拂日兮 Bẻ cành nhược mộc chăng ngang mặt trời (Nhượng Tống dịch).
(7) Nguyên Tương 沅湘: Tên gọi chung hai con sông Nguyên Thủy 沅水 và Tương Thủy 湘水 ở tỉnh Hồ Nam.

Dịch nghĩa:
Qua Tường Đàm điếu Khuất Nguyên (I)


Người hiếu tu đi đã hai nghìn năm
Đất này còn nghe mùi hương của cỏ lan cỏ chỉ
Ba năm buồn rầu cảnh bị đày xa tổ quốc
Muôn thuở tốt đẹp giá văn chương của Sở từ
Trên sông cá rồng, không thấy nắm xương tàn
Bên bãi đỗ nhược, có nhiều giống cỏ thơm
Hết tầm mắt nhìn xem, nơi nào là nơi thương tâm
Khi đi ngang qua sông Nguyên sông Tương trong mùa gió thu lá rụng


Dịch thơ:
Qua Tương Đàm điếu Khuất Nguyên (I)


Hai nghìn năm vắng người sửa đức,
Nơi đây còn thơm phức chỉ lan.
Ba năm đất trích phũ phàng,
Sở từ muôn thuở rỡ ràng văn chương.
Sông cá rồng nắm xương khôn giữ,
Bãi hoa lồng trăm thứ cỏ thơm.
Nơi nào gởi mối thương tâm,
Lá thu gió rụng nẻo tầm Nguyên Tương.


(Quách Tấn dịch)











 

Kì II

Sở quốc oan hồn táng thử trung,
Yên ba nhất vọng diểu hà cùng.
Trực giao hiến lệnh (8) hành thiên hạ,
Hà hữu Li Tao kế Quốc phong (9)?
Thiên cổ thùy nhân liên độc tỉnh (10),
Tứ phương hà xứ thác cô trung (11)?
Cận thời mỗi hiếu vi kì (12) phục,
Sở bội tiêu lan (13) cánh bất đồng.


Chú thích


(8) Hiến lệnh 憲令: Pháp lệnh. Khuất Nguyên làm ra Pháp lệnh để cho vua Sở dùng trị quốc. Vua Sở nghe lời bọn gian thần không dùng, và đày Khuất Nguyên ra Trường Sa. Ra Trường Sa, Khuất Nguyên làm ra sách Li Tao để giải tỏa nỗi lòng uất ức.
(9) Quốc Phong 國風: Đây chỉ Kinh Thi. Trong Kinh Thi có thể Phong, gọi là Quốc Phong, thể Nhã gọi là Nhã Phong, thể Tụng gọi là Tụng Phong. Quốc Phong chiếm phần lớn nên gọi Kinh Thi là Quốc Phong. Kinh Thi là một tập thơ cổ nhất của Trung Quốc. Sau Kinh Thi đến Li Tao của Khuất Nguyên. Hai bộ sách này là nguồn gốc của thi ca Trung Quốc, và có ảnh hưởng rất lớn với nền cổ văn học Việt Nam.
(10) Độc tỉnh 獨醒: Tình một mình. Khuất Nguyên 屈原: Cử thế giai trọc ngã độc thanh, chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh 舉世皆濁我獨清, 眾人皆醉我獨醒 (Sở từ 楚辭) Cả đời đều đục mình ta trong, mọi người đều say cả, mình ta tỉnh.
(11) Cô trung 孤忠: Lòng trung ôm ấp, riêng mình biết riêng mình hay
(12) Kì phục 奇服: Ăn mặc lạ. Khuất Nguyên nói rằng: Lúc trẻ ta ham đồ phục sức lạ, gươm dài, mũ cao...
(13) Tiêu lan 椒蘭: Hoa tiêu hoa lan. Câu 8 này ngụ ý chê người đương thời muốn bắt chước bề ngoài của Khuất Nguyên. Bề ngoài cũng đeo hoa lan hoa tiêu, phục sức chẳng khác Khuất Nguyên, nhưng bên trong thì khác hẳn nhau.

Dịch nghĩa:
Đến Tường Đàm điếu Khuất Nguyên (II)


Hồn oan người nước Sở chôn trong nơi này
Khói sóng một trông bao la không cùng tận
Nếu hiến lệnh được ban hành trong thiên hạ
Thì làm gì có Li Tao kế tiếp Quốc Phong
Từ nghìn xưa đến nay ai là người thương kẻ độc tỉnh?
Khắp bốn phương trời biết nơi nào mà gởi tấm cô trung
Gần đây ai nấy đều thích ăn mặc lạ
Nhưng hoa tiêu hoa nay và xưa lại không đồng


Dịch thơ:
Qua Tương Đàm điếu Khuất Nguyên (II)


Nơi đây chôn hồn oan Sở quốc,
Mắt muôn trùng khói nước chơi vơi.
Ví ban hiến lệnh xuống đời,
Li Tao đâu để nối lời Quốc Phong?
Hồn độc tỉnh ai lòng tưởng tới?
Niềm cô trung biết gởi phương nao?
Đời nay chuộng lạ xiết bao,
Đeo lan giắt ngọc nhưng nào giống xưa!


(Quách Tấn dịch)


tham khảo

 

Tố Như thi, Quách Tấn trích dịch, An Tiêm tái bản, Paris, France, 1995
離騷經: http://ctext.org/chu-ci/li-sao-jing/zh
http://zh.wikipedia.org/wiki/屈原




 

Wednesday 8 April 2015

106 Liễu Hạ Huệ mộ 柳下惠墓


02-11 Quý Dậu (1813): Nguyễn Du về đến thành Cảnh Châu, thuộc tỉnh Trực Lệ, sau đó qua Đức Châu, tỉnh Sơn Đông. Ở đây, huyện Khúc Phụ, vẫn còn vết tích ngôi mộ của Liễu Hạ Huệ (720-621 trước CN).
 Bia tàn chữ mất vùi gai góc
Nghe tiếng nghìn năm tôi xuống xe










Ngô Điếm kiều (2) thông Tứ Thủy (3) ba
Sĩ Sư (4) danh tích vị tiêu ma
Sự nhân trực đạo ninh tam truất
Tác thánh toàn công tại nhất hòa
Tương đối Ni Sơn (5) trường hữu Lỗ (6)
Khả liên Đạo Chích (7) dĩ vô gia
Bi tàn tự một mai hoang thảo
Thiên cổ văn phong nhất há xa


Chú thích


(1) Liễu Hạ Huệ 柳下惠 (720-621 trước CN): Tức Triển Cầm 展禽, tên Hoạch 獲, tự là Quý 季, người đất Liễu Hạ 柳下, nước Lỗ 魯, thời Xuân Thu 春秋. Làm Sĩ Sư, ba lần bị truất mà không bỏ nước. Có người hỏi, ông trả lời: "Lấy đạo ngay mà thờ người thì đi đâu mà không bị ba lần truất. Nếu lấy đạo cong thì hà tất phải bỏ nước của cha mẹ." Sau khi chết, được đặt tên thụy là Huệ 惠. Mạnh Tử khen ông là bậc thánh về Hòa (Thánh chi hòa 聖之和).
(2) Ngô Điếm kiều 吳店橋: Cầu bắc qua sông Tứ Thủy. Ở đầu cầu có mộ của Liễu Hạ Huệ.
(3) Tứ Thủy 泗水: Sông phát nguyên từ tỉnh Sơn Đông 山東 qua huyện Tứ Vĩnh 泗永, huyện Khúc Phụ 曲阜, xưa chảy vào sông Hoài 淮.
(4) Sĩ Sư 士師: Chức quan trông coi việc hình.
(5) Ni Sơn 尼山: Nguyên tên là Ni Khâu Sơn 尼丘山, ở Sơn Đông. Đức Khổng Tử 孔子 ra đời ở đây.
(6) Lỗ 魯: Quê hương của Liễu Hạ Huệ. Nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông 山東.
(7) Đạo Chích 盜跖: Em Liễu Hạ Huệ tên Chích. Là một tay trộm cướp nổi tiếng, nên gọi là Đạo Chích.

Dịch nghĩa:
Mộ Liễu Hạ Huệ


Dưới cầu Ngô Điếm sông Tứ chảy
Tiếng tăm của bậc Sĩ sư vẫn chưa mất
Lấy đạo ngay thẳng thờ người, ba lần chịu mất chức
Nên công bậc thánh ở chữ "Hòa"
Đối mặt Ni Sơn, nước Lỗ còn mãi mãi
Thương cho Đạo Chích kẻ không nhà
Bia tàn chữ mất chôn vùi nơi cỏ hoang
Nghìn năm còn nghe tiếng, tôi xuống xe


Dịch thơ:
Mộ Liễu Hạ Huệ


Sông Tứ dưới cầu Ngô Điếm qua
Danh thơm kẻ sĩ chửa phôi pha
Đạo ngay xử thế ba lần truất
Bậc thánh nên công một đức Hòa
Đối mặt Ni Sơn vinh nước tổ
Thương thân Đạo Chích hổ danh nhà
Bia tàn chữ mất vùi gai góc
Nghe tiếng nghìn năm tôi xuống xe


(Đặng Thế Kiệt dịch) 

 


tham khảo


Ni Sơn 尼山: http://zh.wikipedia.org/zh-tw/尼山