Phiên âm:
Đế Nghiêu miếu (1)
Thái hư nhất điểm đại quan chi
Thiên địa vô công (2) vạn vật ti (tư)
Tại nhật mao tì do bất tiễn
Hậu thân hương hỏa cánh hà vi
Nhất trung tâm pháp khai quần đế
Thiên cổ sùng từ đối Cửu Nghi (3)
Tằng hướng Hứa Do (4) nhượng thiên hạ
Thánh nhân danh thật (5) hữu thùy tri
Dịch nghĩa:
Miếu Đế Nghiêu
Một điểm trong thái hư xem ra rất lớn
Trời đất vô công, muôn vật được nhờ
Lúc sống, ở nhà lợp cỏ tranh còn không cắt
Chết rồi hương khói để làm chi?
Tâm pháp "giữ đạo trung" mở lối cho các vua chúa đời sau
Ngôi đền cao nghìn thuở đối mặt núi Cửu Nghi
Từng muốn nhường thiên hạ cho Hứa Do
Danh và Thực của bậc thánh nhân có ai biết
Dịch thơ:
Miếu Đế Nghiêu
Một điểm Thái hư mà thật lớn
Thấm nhuần muôn vật lẽ vô vi
Mái tranh sống trước không chăm cắt
Hương khói chết rồi cúng bái chi?
Tâm pháp "nhất trung" truyền hậu thế
Đền cao nghìn thuở đối non Nghi
Muốn nhường thiên hạ cho ông Hứa
Danh, Thực nào ai có biết gì?
(Đặng Thế Kiệt dịch)
Chú thích:
(1) Đế Nghiêu: Vị vua thời cổ. Sau truyền ngôi cho vua Thuấn 舜.
(2) Vô công: Các vua thánh theo lẽ vô vi mà muôn dân được nhờ: "Nghiêu Thuấn vô vi nhi trị" 堯舜無爲而治.
(3) Cửu Nghi: Núi thuộc tỉnh Hồ Nam.
(4) Hứa Do: Tự Vũ Trọng 武仲, ẩn ở Kì Sơn 箕山. Vua Nghiêu 堯 đem nhường thiên hạ mà không nhận.
(5) Danh Thực: Hứa Do nói với vua Nghiêu: "Ông làm vua, thiên hạ đã bình trị rồi. Bây giờ bảo tôi thay thế thì tôi vì danh à? Danh chỉ là khách, Thực mới là chủ."
No comments:
Post a Comment