Search This Blog

Wednesday, 8 March 2023

066 Hán Dương vãn diểu 漢陽晚眺


Phiên âm:
Hán Dương vãn diểu 漢陽晚眺 (1)

Bá vương trần tích thuộc du du, (2)
Hán thuỷ thao thao trú dạ lưu.
Quy Hạc lưỡng sơn tương đối ngạn,
Thần tiên nhất khứ chỉ không lâu. (3)
Thi thành thảo thụ giai thiên cổ, (4)
Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu. (5)
Tưởng tượng đương niên xuy địch dạ, (6)
Bạch tần hồng liễu mãn đinh châu.

Dịch nghĩa:
Ngắm cảnh chiều đất Hán Dương

Dấu bá vương đã thuộc về dĩ vãng xa xôi,
Dòng sông Hán vẫn cuồn cuộn chảy suốt đêm ngày.
Hai bên bờ núi Quy núi Hạc đứng đối nhau,
Thần tiên một khi đã ra đi chỉ còn tòa lầu trống.
Bài thơ làm xong cây cỏ đều được nghìn thu,
Ngày chiều nhớ quê hương ai nấy đều chung một mối sầu.
Tưởng tượng năm xưa, ban đêm có tiếng địch thổi,
(Nhưng bây giờ chỉ thấy) rau tần trắng rau lục đỏ đầy doi bãi mà thôi.

Chú thích:

(1) Hán Dương: một huyện thuộc tỉnh Hồ bắc, cách Võ Xương một con sông. Võ Xương là nơi có lầu Hoàng Hạc. Trong bài thơ "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hạo có câu: 
晴川歷歷漢陽樹,芳草萋萋鸚鵡洲
"Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ, Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Tản Đà dịch: Hán Dương sông tạnh cây bày, Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.
(2) Bá Vương: Hán Dương cũng là nơi tranh bá đồ vương ngày trước.
(3) không lâu: chỉ lầu Hoàng Hạc ở bên kia sông.
(4) thảo thụ giai thiên cổ: cây cỏ nhờ có thơ của Thôi Hạo mà bất hủ. Cây đây là cây ở Hán Dương, cỏ đây là cỏ ở Anh Vũ trong bài Hoàng Hạc lâu của họ Thôi. Mà cây đây cỏ đây cũng là cây ở trước mắt trong thơ của tác giả Nguyễn Du. Trong bài "Hoàng Hạc lâu" của Nguyễn Du có câu: "Nhãn trung thảo thụ thượng y y"
Ý nói "cây cỏ trước mắt vẫn còn y như cây cỏ nghìn xưa tả trong thơ Thôi Hạo. Nhờ thơ Thôi Hạo mà Nguyễn Du còn thấy được cây cỏ nghìn xưa trên cây cỏ ngày nay. Và cây cỏ ngày nay sẽ nhờ thơ Nguyễn Du mà còn trong mắt người hậu thế.
Cho nên mới nói "Thi thành thảo thụ giai thiên cổ".
(5) nhật mộ hương quan: trong thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hạo có câu: 
日暮鄉關何處是,煙波江上使人愁 
"Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu"
Tản Đà dịch: Quê nhà khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng thêm buồn lòng đây.
Nguyễn Du mượn chữ trong câu đó. Ý nói đối với quê hương người xưa cũng như người nay, người Hoa cũng như người Việt, đều tha thiết như nhau, đều "cộng nhất sầu"".
(6) xuy địch dạ: đêm thổi địch. Chưa rõ xuất xứ. Có người bảo rằng lấy điển trong bài thơ Lý Bạch:


Dữ Sử Lang Trung khâm thính Hoàng Hạc lâu thượng xuy địch

Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa,
Tây vọng Trường An bất kiến gia。
Hoàng hạc lâu trung xuy ngọc địch,
Giang thành ngũ nguyệt “Lạc mai hoa”。

Bùi Khánh Đản dịch:

Từ khi thiên khách đến Trường Sa,
Vọng nẻo Trường An chẳng thấy nhà.
Lầu Hạc tháng năm nghe sáo ngọc,
Giang thành vẳng khúc “Lạc mai hoa”

Còn ngờ, vì trong bài của Lý Bạch, cảnh tả là cảnh ban ngày (mặc dù không nói rõ). Còn trong câu thơ của Nguyễn Du, tác giả nhấn mạnh chữ Dạ là ban đêm.

Dịch thơ:
Chiều ngắm Hán Dương

Bá Vương dấu bụi lấp đầy,
Dờn dờn sông Hán đêm ngày chảy xuôi.
Đôi bờ Quy Hạc sánh đôi,
Thần tiên khuất bóng mồ côi bóng lầu.
Thi thành cây cỏ nghìn thu,
Trời chiều chung một mối sầu hương quan.
Tưởng nghe tiếng địch đêm tàn,
Trực nhìn tần trắng liễu vàng đầy doi.

(Quách Tấn dịch)





Tuesday, 7 March 2023

065 Hoàng Hạc lâu 黃鶴樓


image: https://zhuanlan.zhihu.com/p/111802225

Phiên âm:
Hoàng Hạc lâu (1)

Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì? (2)
Do lưu tiên tích thử giang mi?
Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng, (3)
Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi. (4)
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu,
Nhãn trung thảo thụ thượng y y.
Trung tình vô hạn bằng thùy tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.

Dịch nghĩa:
Lầu Hoàng Hạc

Thần tiên đi đến chốn nào và đã trải qua bao nhiêu đời,
Dấu tiên còn để mãi trên bến sông này.
Nay lại xưa qua (đều chẳng khác) mộng Lư Sinh,
Hạc đi mất lầu trống không (chỉ còn) thơ của Thôi Hạo.
Ngoài lan can khói sóng đều mờ mờ thăm thẳm,
Trong tròng mắt cây cỏ vẫn xanh mướt như xưa.
Mối tình ấp ủ trong lòng thật chứa chan mà không biết bày tỏ cùng ai,
Trăng sáng gió trong cũng không hiểu thấu.

Chú thích:

(1) Hoàng Hạc lâu: lầu Hoàng hạc ở Võ Xương, tỉnh Hồ Bắc.
(2) Thần tiên: Truyền rằng Đinh Linh Huy (có chỗ chép là Phí Văn Huy) tu tiên đắc đạo, thường cưỡi hạc vàng đỗ nơi lầu. Do đó lầu mới mệnh danh là Hoàng Hạc. Phong cảnh trước lầu đx đẹp mà lại có sự tích kỳ nên tao nhân mặc khách thường đến ngâm vịnh.
(3) Lư Sinh mộng: Lư Sinh đời Đường đi thi hỏng, nghỉ trọ ở đất Hàn Đan, gặp một đạo sĩ cho mượn gối nằm ngủ. Trong lúc ấy giờ chủ quán trọ đương nấu một nồi kê. Lư Sinh nằm ngủ thấy mình lấy vợ con gái họ Thôi, rồi thi đỗ tiến sĩ, được bổ đi làm quan. Bước đường công danh hanh thông, không mấy lúc được thăng đến chức Tể tướng. Phú quý vinh hoa ngót 30 năm trời. Cuối cùng bị tội, sắp phải hành hình. Sợ quá giật mình, thức dậy thì nồi kê vẫn chưa chín.
(4) Thôi Hạo (701-754): cũng ghi là Thôi Hiệu, một thi nhân đời Thịnh Đường. Thôi Hạo có bài thơ Hoàng Hạc Lâu, câu khởi thừa rằng:
昔人已乘黃鶴去, 此地空餘黃鶴樓.
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Tản Đà dịch: Hạc vàng ai cưỡi đi đâu, Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Bài thơ Thôi Hạo rất được truyền tụng. Lý Bạch vào chơi lầu thấy thơ, thất kinh ném bút.

Dịch thơ:

Lầu Hoàng Hạc

Nào thuở tiên đi mãi đến giờ,
Dấu tiên bên bến đứng trơ vơ.
Xưa qua nay lại Lư dồn mộng,
Hạc khuất lầu không Hạo để thơ.
Thăm thẳm nước mây ngoài vạn dặm,
Dờn dờn cây cỏ vẫn ngìn xưa.
Nỗi lòng ấp ủ cùng ai tỏ?
Gió mát trăng trong luống hững hờ.

(Quách Tấn dịch)


Tham khảo:

Tố Như thi, Quách Tấn trích dịch, An Tiêm tái bản, Paris, France, 1995
https://www.arteducation.com.tw/shiwenv_b0d3f72465ef.html



Monday, 27 February 2023

069 Vũ Thắng quan 武勝關


Phiên âm: 
Vũ Thắng (1) quan

Cốc Khẩu hùng quan Vũ Thắng danh
Cổ thời (2) thử địa hạn Man Kinh (3)
Nhất binh bất thiết tự hùng tráng
Bách tải thừa bình vô chiến tranh
Bán nhật thụ âm tùy mã bối
Thập phần thu ý đáo thiền thanh
Thương tâm thiên lý nhất hồi thủ
Mãn mục Sở sơn vô hạn thanh

Dịch nghĩa: 
Cửa ải Vũ Thắng

Cửa ải hùng tráng ở núi Cốc Khẩu mang tên ải Vũ Thắng
Thời xưa nơi này giới hạn đất Man Kinh
Không cần đóng quân tự nó hùng tráng
Trăm năm nay hưởng thái bình không có chiến tranh
Suốt nửa ngày bóng cây chạy theo lưng ngựa
Mười phần ý thu đến với tiếng ve kêu
Trên đường nghìn dặm đau lòng quay đầu lại
Mắt ngợp núi nước Sở xanh vô hạn

Dịch thơ: 
Bài (1) Cửa ải Vũ Thắng

Hùng quan Vũ Thắng nổi danh
Ngàn xưa đất ấy Man Kinh biên thùy
Không binh tướng vẫn uy nghi
Thái bình an lạc suốt kỳ trăm năm
Nửa ngày lưng ngựa bóng râm
Ve kêu thu ý mười phần nỉ non
Ngoảnh đầu muôn dặm thêm buồn
Xanh xanh núi Sở ngút ngàn mắt trông!

(Hạt Cát 79 dịch)


Bài (2) Cửa ải Vũ Thắng

Vũ Thắng hùng quan vốn nổi danh
Thuở xưa ranh giới đất Man Kinh
Ðâu cần binh lính tự hùng tráng
Thừa hưởng đời đời chẳng chiến tranh
Rừng mát rợp che lưng ngựa chạy
Ý thu chan chứa tiếng ve ran
Ðau lòng dặm ruổi quay đầu lại
Ngợp mắt muôn trùng núi Sở xanh

(Đặng Thế Kiệt dịch)


Chú thích:

(1) Vũ Thắng: Cửa ải phía nam tỉnh Hà Nam.
(2) Cốc Khẩu: Núi thuộc huyện Lạc Dương.
(3) Man Kinh: Nước Sở, vốn tên là Kinh, thuộc miền Nam Man, nên gọi là Man Kinh.
(Theo Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Nhà xuất bản Văn Học, Việt Nam, 1999)


068 Lý gia trại tảo phát 李家寨早發


Phiên âm: 
Lý gia trại (1) tảo phát

Hiểu sắc hà thương mang
Sơ nhật ẩn sơn phúc
Lộ thượng nhân kí hành
Chi đầu điểu do túc
Vạn cổ nhất hồng trần
Kì trung giai lục lục
Khuyển phệ trúc thôn trung
Định hữu cao nhân ốc

Dịch nghĩa: 
Từ trại nhà họ Lý ra đi sớm

Sắc trời ban mai thật là bát ngát mênh mang
Mặt trời mới mọc còn nấp trong lòng núi
Trên đường, người đã đi
Đầu cành, chim còn ngủ
Muôn thuở một đám bụi hồng
Trong đó mọi người bận rộn
Tiếng chó sủa trong xóm trúc
Chắc có nhà của bậc cao nhân

Dịch thơ: 
Từ trại nhà họ Lý ra đi sớm

Sáng sớm màu mênh mang
Mặt trời ẩn lòng núi
Người đã bước lên đàng
Chim còn ngủ đầu nhánh
Muôn thuở áng bụi hồng
Mỗi người thân tất tả
T
hôn trúc chó kêu gần
Chắc có cao nhân ở

(Đặng Thế Kiệt dịch)


Chú thích:

(1) Lý gia trại: Trại nhà họ Lý, chắc đoàn sứ Nguyễn Du đã ghé qua đêm.



Sunday, 26 February 2023

067 Nhiếp Khẩu đạo trung 灄口道中


Phiên âm: 
Nhiếp Khẩu (1) đạo trung

Thu mãn phong lâm (2) sương diệp hồng
Tiểu oa hào xuất đoản ly đông
Sổ huề canh đạo kê đồn ngoại
Nhất đái mao tì dương liễu trung
Hồng Lĩnh cách niên hư túc mộng
Bạch đầu thiên lý tẩu thu phong
Mang nhiên bất biện hoàn hương lộ
Xúc mục phù vân xứ xứ đồng

Dịch nghĩa: 
Trên đường Nhiếp Khẩu

Thu ngập rừng phong, sương nhuộm đỏ lá
Tiếng chó con sủa rộn nơi rào thấp phía đông
Vài thửa ruộng lúa tám còn thêm gà lợn
Một dãy nhà tranh trong hàng dương liễu
Xa núi Hồng Lĩnh một năm trời, chỉ mộng mị suông
Ðầu tóc trắng chạy nghìn dặm trước gió thu
Mờ mịt không còn nhận ra dường trở lại quê nhà
Mây nổi ngợp mắt, đâu cũng như đâu

Dịch thơ: 
Trên đường Nhiếp Khẩu

Thu ngậm rừng phong lá đỏ sương
Chó con sủa rộn mé rào đông
Vài sào lúa tám thêm gà lợn
Một dãy nhà tranh khuất bóng dương
Tóc trắng gió thu ngàn dặm ruổi
Non Hồng mộng mị cách năm trường
Mênh mang mây nổi trào lên mắt
Lấp dấu đường quê lạc cố hương

(Đặng Thế Kiệt dịch)

Chú thích:

(1) Nhiếp Khẩu: Thị trấn ở cửa sông Nhiếp Giang, phía đông thành Vũ Hán. Nguyễn Du qua đây vào lúc mùa thu chín. Những túp lều tranh, ruộng lúa, gà lợn, tiếng chó sủa vang bên hàng giậu: cảnh làng mạc Trung Hoa mang ít nhiều hơi hướm Việt Nam.
(2) Phong lâm: Rừng phong. Truyện Kiều: "Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san".



077 Bùi Tấn Công mộ 裴晉公墓


Phiên âm: 
Bùi Tấn Công mộ (1)

Đãng đãng thu nguyên khâu lũng bình
Mộ bi do chí Tấn Công danh
Đan tâm nhất điểm lưu kim cổ
Bạch cốt thiên niên cách tử sinh
Tẫn hữu du vi ưu tướng tướng
Vô phương hình mạo yếm đan thanh
Thương tâm cận nhật Chiêu Lăng (2) thụ
Nhất đái đề quyên triệt Vị Thành (3)

Dịch nghĩa: 
Mộ Bùi Tấn Công

Cánh đồng mùa thu rộng bát ngát, gò đống vắng vẻ
Bia mộ còn ghi tên Tấn Công
Một tấm lòng son để lại tiếng xưa nay
Nghìn năm xương trắng chia cách kẻ sống và người chết
Có thừa mưu lược làm tướng văn tướng võ
Hình mạo cần chi tô vẽ đỏ xanh
Đau lòng gần đây trên cây ở Chiêu Lăng
Tiếng quyên kêu suốt một dải Vị Thành

Dịch thơ: 
Mộ Bùi Tấn Công

Bát ngát cánh đồng thu vắng tanh
Tấn Công bia mộ chữ ghi rành
Lòng son một mảnh soi kim cổ
Xương trắng nghìn thu cách tử sinh
Mưu lược tài kiêm văn võ tướng
Điểm tô chi bận đỏ xanh hình
Trên cây lăng tẩm vua Đường cũ
Khắc khoải quyên kêu vọng quách thành.

(Đặng Thế Kiệt dịch)


Chú thích:

(1) Bùi Tấn Công: Tức Bùi Độ, làm Tể tướng dưới triều Đường Hiến Tông (806-820). Bùi Độ đề bức vẽ truyền thần của mình như sau: "Nhữ thân bất trường, nhữ mạo bất dương, hồ vi tướng, hồ vi tướng, nhất điểm linh đài, đan thanh mạc trạng" (Thân không cao, diện mạo không đẹp mà sao làm được tướng văn, sao làm được tướng võ ? Chỉ có cái tâm linh thiêng không vẽ được).
(2) Chiêu Lăng: Tên lăng của Đường Thái Tông ở Thiểm Tây.
(3) Vị Thành: Thành ở phía tây bắc huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây.